1. Khám phá Vẻ Đẹp Tự Nhiên
2. Trải Nghiệm Du Lịch Tâm Linh
Giới thiệu Chùa Thanh Lanh
Chùa Thanh Lanh tọa lạc trên một ngọn đồi nằm ở thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chùa Thanh Lanh còn có tên gọi khác là chùa Thanh Lương. Ngôi chùa đã được khởi công, xây dựng từ đầu thế kỷ 17.
Chùa Thanh Lanh được xây dựng trên một vị trí đắc địa. Bên phải là hồ nước Thanh Lanh quanh năm đầy ắp nước. Bên trái là dãy núi Trung Sô núi non trùng điệp. Từ chùa Thanh Lanh phóng tầm mắt xa xa là những xóm làng quầy tụ, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay.
Nếu du khách đang tìm một địa chỉ du lịch tâm linh, kết hợp nghỉ dưỡng thì chùa Thanh Lanh là một sự lựa chọn lý tưởng. Với không gian yên tĩnh, nằm dựa núi, trầm lặng giữa núi rừng thiên nhiên. Du khách sẽ được cảm nhận sự yên bình, thư thái. Những xô bồ của cuộc sống sẽ được gác lại sau cánh cổng chùa.
Chùa Thanh Lanh đã có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm. Ngôi chùa đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, trong đó có 2 cuộc chiến tranh đã khiến ngôi chùa bị xuống cấp, chỉ còn lại nền móng. Đến năm 2008, nhân dân trong vùng đã vận động phật tử và nhân dân phát tâm công đức để trùng tu lại ngôi Chánh Điện.
Tới năm 2012, ngôi chùa đã có sư trụ trì về quản lý chùa. Sau đó, đã xây dựng thêm nhiều công trình lớn như: Nhà tăng, giảng đường,… Kiến trúc của ngôi chùa hài hòa về tổng thể và cảnh quan thiên nhiên. Chùa Thanh Lanh vừa có nét nghiêm trang, khoáng đạt vừa thể hiện sự gần gũi với cộng động. Ngôi chùa chính là địa chỉ tâm linh, tín ngưỡng để nhân dân trong vùng và du khách thập phương tới thờ cúng và thăm quan.
Giới thiệu Chùa cấm
Đến Trúc An Village, thăm chùa Cấm, Phúc Yên. Chùa Báo Ân có từ thời nhà Lý với tên gọi ban đầu là chùa Tiêu Sơn, được gọi chùa Cấm vì từng là ngôi chùa hoàng gia, được nhiều vị hoàng hậu và công chúa trụ trì trong quá khứ. Đây là ngôi chùa lâu đời nhất của tỉnh Vĩnh Phúc, mang trong mình nhiều giai đoạn lịch sử và sự phát triển. Với hai cổng tam quan nguy nga đồ sộ rất độc đáo, chùa được trang trí bởi rất nhiều bức phù điêu và các câu đối tinh xảo, tạo nên bức tranh văn hóa tinh tế .
Ngoài ra, chùa Cấm còn giữ lại nhiều cổ vật quý giá từ quá khứ, như bia đá khắc, chuông đồng cùng cuốn ngọc phả và một số sắc phong có niên đại lâu đời.
Mặc dù gần chợ nhưng chùa lại tọa lạc trên đỉnh núi Tiêu Giao trong một không gian xa lánh phàm tục, với kiến trúc hoành tráng và không gian trang nghiêm, tạo điểm nhấn độc đáo cho vùng đất này.
Giới thiệu Chùa Thông
Chùa Thông là một ngôi chùa cổ, chính xác thời kỳ nào thì không ai biết, chỉ biết rằng trên những tượng, di vật cổ ở chùa thì đoán chừng chùa có từ thời Hùng Vương. Sự biến đổi của lịch sử qua hàng nghìn năm làm chùa Thông cũng bị tác động. Trước năm 1954, chùa Thông được người dân làm tạm trên mảnh đất hiện tại để có nơi thờ phụng. Đến năm 1956, nhà nước và nhân dân địa phương mới bắt đầu tiến hành xây dựng ngôi chùa mới, tuy nhiên vẫn còn sơ sài. Trước nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của phật tử và nhân dân địa phương, cán bộ, đảng viên và nhân dân thống nhất đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép trùng tu xây dựng.
Chánh điện chùa Thông được xây dựng khang trang
Được sự đồng ý và ủng hộ của Đảng ủy, UBND, UBMT Tổ Quốc xã Ngọc Thanh, cán bộ và nhân dân sau thôn trong vùng cùng góp công, góp sức phục dựng lại Chùa bảo đảm phục vụ tốt nhu cầm tâm linh của người dân trong vùng và các tỉnh lân cận.
Trải qua 3 năm xây dựng, với hàng chục nghìn ngày công lao đông, ngôi Tam bảo chùa Thông đã hoàn thành như nguyện với tổng diện tích hơn 1.100 m2 trong đó diện tích sinh hoạt là 250 m2 và diện tích mái chéo hơn 850m2, tổng kinh phí xây dựng là 4 tỉ 375 triệu đông. Nay công việc xây dựng Chánh điện đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng làm nơi tu tập, chiêm bái cũng như đón tiếp du khách phật từ gần xa.
Chùa Thông nằm ở xã Ngọc Thanh, là một xã miền núi của TP. Phúc Yên với đông đảo đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Bà con từ xa xưa sống với nghề nông là chính, đời sống còn rất khó khăn. Hiện tại xã Ngọc Thanh phối hợp cùng thị xã Phúc Yên phát triển công tác thêm dịch vụ, du lịch. Trong tương lai xã Ngọc Thanh cũng có ý định chuyển đổi cho bà con từ sản xuất nông nghiệp sang mở các “tua” du lịch sinh thái kết hợp thăm vãn cảnh chùa, đền trong xã.
Tên là chùa Thông vì ở cửa chùa trước đây có 2 cây thông cổ thụ án ngữ rất linh thiêng. Sau thời gian, hai cây thông bị cháy một phần, vì bảo đảm an toàn cho ngôi chùa nên nhà chùa đã quyết định hạ hai cây thông làm công trình phúc lợi.
Chùa Thông còn tồn tại di tích với tên gọi mộ Chúa, trước kia là những ụ mối lớn tương truyền là ngôi mộ thờ hai công chúa song sinh có công với địa phương, niên đại ước đoán hơn hai trăm năm. Hiện tại, đã được người dân trung tu xây dựng thành một khu thờ cúng để tỏ lòng thành kính với hai bà.
Đến với chùa Thông, du khách như được tịnh tâm, bỏ lại phía sau những muộn phiền, lo toan của cuộc sống để lắng lòng trong tiếng chuông chùa cùng những lời răn của giáo lý nhà Phật.